Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Văn hoá đặc sắc: Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ

Dù kê là loại hình sân khấu ca kịch có cốt truyện rõ ràng, được kết cấu theo chương hồi. Một vở Dù kê được phát triển trên nền nhạc ca hát, đối thoại và động tác diễn. Điểm đặc biệt là mỗi lời hát đều kèm theo các điệu múa, sự kết hợp giữa tay và chân. Vì vậy, người không biết tiếng Khmer khi theo dõi diễn biến của vở Dù kê vẫn có thể hiểu được cốt truyện.





Người Khmer ở Nam bộ vốn có nền văn hóa nghệ thuật rất độc đáo, đa dạng đã phát triển khá lâu đời. Trong kho tàng văn hóa ấy, nghệ thuật sân khấu là một trong những giá trị tiêu biểu làm nên nền văn hóa đậm sắc thái Khmer Nam bộ.

Nghệ thuật sân khấu độc đáo

Nói đến sân khấu của đồng bào Khmer Nam bộ thì không thể không nhắc đến hai loại hình tiêu biểu là sân khấu Rô băm và Dù kê. Hai loại hình này là đại diện cho hai giá trị: sân khấu cung đình và sân khấu dân gian.

Nếu nghệ thuật sân khấu Rô băm hình thành từ xa xưa trong cộng đồng người Khmer thuộc thể loại kịch múa cổ điển, có nguồn gốc từ biểu diễn phục vụ cung đình, thì nghệ thuật Dù kê chỉ mới xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 thuộc thể loại ca kịch dân gian, được sinh ra từ nhân dân lao động vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong đó, các tỉnh phát triển mạnh nghệ thuật Dù kê là: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và An Giang... với nhiều ban, gánh, đoàn nghệ thuật khác nhau biểu diễn phục vụ đông đảo đồng bào Khmer Nam bộ.

Dù kê còn có tên gọi khác là Lakhôn Bassắc, nghĩa là kịch hát của người Khmer ở vùng sông Bassắc (tức sông Hậu). Mặc dù có khá nhiều kiến giải về nguồn gốc ra đời nhưng tựu chung, các nhà nghiên cứu đều cho rằng: Dù kê ra đời trên cơ sở kế thừa những loại hình nghệ thuật đã có trước đó như Rô băm và chịu ảnh hưởng sâu sắc của hai loại hình sân khấu là tuồng cổ của người Hoa và cải lương của người Kinh. Vì vậy, người ta so sánh nghệ thuật Dù kê tương tự như sân khấu cải lương Nam bộ.

Dù kê là loại hình sân khấu ca kịch có cốt truyện rõ ràng, được kết cấu theo chương hồi. Một vở Dù kê được phát triển trên nền nhạc ca hát, đối thoại và động tác diễn. Điểm đặc biệt là mỗi lời hát đều kèm theo các điệu múa, sự kết hợp giữa tay và chân. Vì vậy, người không biết tiếng Khmer khi theo dõi diễn biến của vở Dù kê vẫn có thể hiểu được cốt truyện.

Có thể bạn quan tâm: Những di sản lịch sử của ha noi vietnam ít ai biết

Các nhạc cụ Khmer cổ truyền thường sử dụng trên sân khấu Dù kê là đàn khưm, giàn nhạc pưnpết (ngũ âm) và nhiều nhạc cụ dân tộc khác. Trung bình, thời gian biểu diễn một vở tuồng Dù kê dài khoảng 4- 5 giờ đồng hồ.

Tích tuồng các vở Dù kê thường thể hiện lại các truyền thuyết, huyền thoại của dân tộc Khmer như: “Linh-thôn”, “Sac-kinh-ni”...; được rút ra từ các trường ca của Ấn Độ: “Ramayana” và “Mahabharada”; những điển tích, truyền thuyết của các dân tộc anh em như: “Thạch Sanh chém chằn”, “Tấm Cám”... của người Kinh, “Trụ vương mê Đắc Kỷ”, “Tam Tạng thỉnh kinh”, “Phàn Lê Huê – Tiết Đinh San”... của người Hoa. Điều này cho thấy sự đa dạng, giao thoa văn hóa trong nghệ thuật Dù kê.

Đề tài và nội dung kịch bản của sân khấu Dù kê rất phong phú và mang tính giáo dục cao. Dù kê luôn có mặt trong các hoạt động lễ hội và sinh hoạt của người Khmer, góp phần giáo dục người dân về lòng nhân ái vị tha, tình yêu quê hương đất nước đậm đà, sâu lắng, đồng thời đề cao đạo lý làm người, hướng thiện, ca ngợi điều tốt đẹp, thiện lương; lên án cái ác, cái xấu; hướng con người đến ý thức đấu tranh chống lại những bất công của xã hội, đem lại cuộc sống yên bình.

Bảo tồn di sản văn hóa Dù kê

Dù kê ra đời dựa trên trí tuệ, tình yêu cái đẹp, hướng thiện của bà con lao động Khmer, là di sản văn hóa của cả dân tộc bởi tính đa dạng, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong cộng đồng. Với sự độc đáo và hấp dẫn của mình, loại hình nghệ thuật Dù kê đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể dự kiến lập hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận giai đoạn 2012-2016.

Những năm gần đây, do sự chi phối của hoàn cảnh kinh tế - xã hội, sự lấn át của các loại hình truyền thông giải trí hiện đại mà nghệ thuật sân khấu Dù kê đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Do đó, nhiệm vụ bảo tồn gắn liền với phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này được đặt lên hàng đầu.

Theo các nhà nghiên cứu, để bảo tồn nghệ thuật sân khấu Dù kê, một mặt cần tiến hành điều tra, sưu tầm, thu thập và bảo vệ chúng bằng hình thức sách vở, hình ảnh, băng hình, băng tiếng… được lưu giữ ở các kho lưu trữ, viện bảo tang; mặt khác, quan trọng hơn, cần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này ngay chính trong cộng đồng bằng cách nuôi dưỡng và phát huy nó trong đời sống xã hội.

Để bảo tồn Dù kê trong chính cộng đồng, việc gắn liền biểu diễn Dù kê với hoạt động du lịch tại các tỉnh có nghệ thuật Dù kê phát triển như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, An Giang thông qua việc tổ chức biểu diễn cho khách du lịch trong và ngoài nước, là một cách làm tốt.

Biểu diễn Dù kê không hề dễ, người thể hiện phải có năng khiếu cả về ca, múa, cảm thụ văn học, cảm thụ âm nhạc và diễn xuất. Muốn theo nghề, người nghệ sĩ phải có niềm đam mê mãnh liệt với sân khấu truyền thống của dân tộc mình. Do đó, cần có cơ chế đãi ngộ hợp lý để chăm lo tốt hơn đời sống của đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân, đặc biệt là những nghệ nhân có tuổi, có chuyên môn và tâm huyết, những người đóng vai trò “cầm lái” trực tiếp làm công tác bảo tồn bởi họ chính là những “kho sử sống” về loại hình Dù kê. Bên cạnh đãi ngộ văn nghệ sĩ lão thành, đồng thời phải có sự tìm tòi, phát hiện, chăm lo bồi dưỡng cho đội ngũ trẻ. 

Trước ngưỡng cửa gia nhập di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, những người có trách nhiệm “gánh” khá nhiều nhiệm vụ để Dù kê xứng đáng trở thành di sản văn hóa tầm thế giới. Bảo tồn gìn giữ nhưng phải phát huy để làm cho tầm giá trị của Dù kê được lan tỏa sâu rộng, đó mới là then chốt./.
>>> Tham khảo những chuyến du lịch danang tourism giá rẻ nhất

0 nhận xét:

Đăng nhận xét